Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo; Các trường trung cấp chuyên nghiệp
Từ năm học 2006-2007, đồng thời với việc thực hiện Chỉ thị 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và cuộc vận động “Hai không”, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học tăng cường giúp đỡ học sinh học lực yếu kém và chủ trương xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2 lần. So với trước đây, số học sinh xếp loại học lực yếu kém và học sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT, BTTHPT tăng lên.
Để tiếp tục thực hiện chủ trương giúp đỡ học sinh học lực yếu, kém và giải quyết nhu cầu học tập của những học sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT, BTTHPT, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và dạy nghề thực hiện tốt một số công tác sau đây:
1. Về việc rà soát và giúp đỡ học sinh học lực yếu kém
a) Rà soát phân loại học lực của học sinh từ đầu năm học.
Đối với cấp Tiểu học, từ đầu năm học 2007-2008, Hiệu trưởng giao cho giáo viên các lớp tiến hành kiểm tra viết các môn Tiếng Việt và Toán, từ kết quả kiểm tra tiến hành phân loại học lực của học sinh, xác định những học sinh thuộc loại yếu và loại kém.
Đối với cấp THCS và cấp THPT, từ đầu năm học 2007-2008, Hiệu trưởng tổ chức kiểm tra viết các môn Ngữ văn, Toán, từ kết quả kiểm tra tiến hành phân loại học lực của học sinh, xác định những học sinh thuộc loại yếu và loại kém.
Việc ra đề kiểm tra cần bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình mà học sinh vừa hoàn thành ở năm học trước, thông qua kiểm tra phải phân loại được và đúng học lực học sinh.
b) Giúp đỡ học sinh loại yếu và loại kém.
- Trên cơ sở rà soát phân loại học lực của học sinh, nhà trường họp với gia đình học sinh học lực yếu, kém để thông báo tình hình và bàn biện pháp phối hợp giúp đỡ học sinh vươn lên trong học tập.
- Căn cứ tình hình cụ thể của nhà trường, Hiệu trưởng lấy ý kiến giáo viên chủ nhiệm và các tổ chuyên môn để lựa chọn hình thức giúp đỡ học sinh yếu kém cho phù hợp. Cần lựa chọn những giáo viên có năng lực chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao để phụ đạo cho học sinh học lực yếu, kém.
2. Về giải quyết nhu cầu học tập của học sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT
Cần tạo điều kiện cho những học sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT, BTTHPT trong các kỳ thi vừa qua nếu có nguyện vọng được tiếp tục học tập văn hoá với các hình thức khác nhau hoặc được học nghề, học TCCN theo nguyện vọng.
a) Trách nhiệm của các Sở GD&ĐT:
Thông báo cho học sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT, BTTHPT vừa qua và cả những năm trước biết chủ trương về giải quyết nhu cầu học tập của học sinh:
- Các trường THPT có trách nhiệm tiếp nhận học sinh phổ thông chưa đỗ tốt nghiệp có nguyện vọng được học lưu ban lớp 12 hoặc học dự thính một số môn học vào thời gian thích hợp. Nếu số lượng học sinh xin học dự thính quá đông, các trường THPT có thể tổ chức lớp riêng sau khi thoả thuận với gia đình học sinh về kế hoạch ôn tập, biện pháp quản lý học sinh và trách nhiệm bảo đảm học tập cho học sinh. Nếu nhu cầu học lưu ban, dự thính của học sinh vượt quá khả năng giải quyết của các trường, các Sở GD&ĐT cần đề xuất phương án để Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo giải quyết.
- Các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) có trách nhiệm tiếp nhận học sinh thuộc diện này vào học với những hình thức phù hợp.
- Các trường THPT, các Trung tâm GDTX có trách nhiệm tạo điều kiện cho những học sinh, học viên tự ôn tập được đăng kí dự thi tốt nghiệp lớp 12 vào năm học 2007-2008 một cách thuận lợi.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan, các cơ sở đào tạo TTCN, dạy nghề tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để thu hút tối đa những học sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT, BTTHPT vào học TCCN hoặc học nghề.
b) Trách nhiệm của các cơ sở đào tạo TCCN và dạy nghề:
Các cơ sở đào tạo TCCN và dạy nghề cần tăng cường tuyển học sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT, BTTHPT (với yêu cầu tuyển sinh trình độ THCS) và giảm nội dung chương trình các môn văn hoá mà học sinh đã đạt yêu cầu khi học THPT, BTTHPT.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đào tạo TCCN, dạy nghề triển khai thực hiện các công tác nói trên. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo với Bộ GD&ĐT để giải quyết.
Số kí hiệu | 9654/BGDĐT-GDTrH |
Ngày ban hành | 09/09/2007 |
Ngày bắt đầu hiệu lực | 09/09/2007 |
Ngày hết hiệu lực | |
Thể loại | Công văn |
Lĩnh vực | |
Cơ quan ban hành | Bộ GDĐT |
Người ký | Nguyễn Văn Vọng |