Những đổi mới trong chương trình của Bộ GD&ĐT

Thứ sáu - 11/01/2019 22:15

1. 8 lưu ý của Bộ GD & ĐT với trường phổ thông triển chương trình mới 

Chương trình mới của Bộ GD&ĐT cần lưu ý những điểm sau:

chuong trinh moi 4
Bộ GD&ĐT họp công bố chương trình giáo dục phổ thông mới

 

  • Thứ nhất: Xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới của trường theo kế hoạch của sở GDĐT, phòng GDĐT và phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường.

  • Thứ 2: Quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ GDĐT về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức kịp thời cho cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới.

  • Thứ 3: Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên từng môn học, lớp học; đề xuất kế hoạch bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; chọn cử đội ngũ giáo viên cốt cán đảm bảo số lượng và chất lượng để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đạt hiệu quả.

  • Thứ 4: Tổ chức rà soát, sửa chữa, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học và lựa chọn sách giáo khoa để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

  • Thứ 5: Phối kết hợp với các cơ quan thông tin - truyền thông tại địa phương đẩy mạnh truyền thông với cha mẹ học sinh và xã hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

  • Thứ 6: Giám sát thường xuyên công việc để kịp thời phát hiện những khó khăn và có các biện pháp xử lý hiệu quả khi phát sinh; tổng hợp ý kiến các tổ/nhóm chuyên môn và báo cáo sở GDĐT trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

  • Thứ 7: Chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn:

Chủ động xây dựng kế hoạch tổ/nhóm chuyên môn, kế hoạch cá nhân; dự báo những thuận lợi, khó khăn và đề xuất những giải pháp giải quyết khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chủ động xây dựng kế hoạch tổ/nhóm chuyên môn, triển khai kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo kế hoạch của nhà trường.

Đôn đốc giáo viên xây dựng kế hoạch cá nhân, kịp thời phát hiện những thuận lợi, khó khăn và đề xuất những biện pháp giải quyết khó khăn về chuyên môn nghiệp vụ khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Kiểm tra công việc của các thành viên trong tổ/nhóm chuyên môn để kịp thời đề xuất với nhà trường các biện pháp xử lý. Tổng hợp ý kiến và báo cáo lãnh đạo nhà trường trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

  • Thứ 8: Chỉ đạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên:

Chủ động sáng tạo trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình kế hoạch của tổ/nhóm chuyên môn và kế hoạch của nhà trường.

Tích cực tham gia tập huấn đầy đủ và có chất lượng các buổi tập huấn do trường và các cấp quản lý tổ chức. Tham gia sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng và chủ động trao đổi các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chủ động xây dựng kế hoạch cá nhân, thực hiện dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo đúng các văn bản quy định. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá nhằm thực hiện dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Phát hiện những thuận lợi, khó khăn và đề xuất những biện pháp giải quyết khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ.

Tích cực tự làm thiết bị dạy học và xây dựng học liệu điện tử môn học theo phân công của tổ/nhóm chuyên môn trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tổ chức lựa chọn và hướng dẫn học sinh lựa chọn sách giáo khoa mới phù hợp với quy định của Bộ GDĐT và điều kiện hoàn cảnh của địa phương, của nhà trường, gia đình học sinh.

Tích cực truyền thông tới cha mẹ học sinh và xã hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để cha mẹ học sinh và xã hội hiểu rõ hơn về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói riêng và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung.

Bên cạnh đó Bộ GD&ĐT cũng có những yêu cầu đối với cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông như sau:

  • Tích cực thực hiện nâng cao năng lực của các trường sư phạm thông qua bộ chỉ số đánh giá năng lực đào tạo của các trường sư phạm theo “Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, CBQL cơ sở GDPT” (sau đây gọi tắt là Chương trình ETEP).

  • Các trường sư phạm trọng điểm, chủ chốt phối hợp với các trường sư phạm khác tiến hành nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung đào tạo để xây dựng mới chương trình đào tạo thống nhất trong cả nước; xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên để thực hiện các môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

  • Phối hợp với các sở GDĐT tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ giáo viên theo nhu cầu thực tế của các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

2. Môn Ngữ văn trong chương trình GDPT mới

Chương trình môn Tiếng Việt/ Ngữ Văn: Chỉ còn 6 tác phẩm học bắt buộc

Ngữ văn được dạy từ lớp 1 đến lớp 12. Ở tiểu học, môn này có tên là Tiếng Việt; ở THCS và THPT là Ngữ văn.

Về nội dung, điểm khác biệt nhất của chương trình môn Ngữ văn so với trước đây là được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học để lựa chọn nội dung dạy. Các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) được chọn làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học. Đọc bao gồm đọc đúng và đọc hiểu. Trong đó, việc đọc hiểu gồm các yêu cầu hiểu văn bản (cả đọc thẩm mỹ, cảm thụ, thưởng thức, đánh giá) và hiểu chính mình (người đọc).

Kỹ năng viết không chỉ yêu cầu học sinh biết viết chữ, viết câu, viết đoạn mà còn tạo ra được các kiểu loại văn bản, từ thông dụng đến phức tạp. Căn cứ vào nội dung của đọc và viết, học sinh sẽ được luyện tập cách trình bày, nói và nghe tự tin, có hiệu quả; từ nói đúng đến nói hay.

Từ yêu cầu nêu trên, chương trình đề ra nội dung dạy học, bao gồm kiến thức về tiếng Việt, văn học và ngữ liệu văn bản. Trong đó, kiến thức tiếng Việt với nội dung chủ yếu là: ngữ âm và chữ viết, từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp, sự phát triển của ngôn ngữ. Kiến thức văn học gồm những vấn đề chung về văn học, các thể loại văn học, các yếu tố của tác phẩm văn học và một số hiểu biết sơ giản về lịch sử văn học Việt Nam.

Chương trình môn Ngữ văn mới được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể. Cả chương trình chỉ còn 6 tác phẩm văn học bắt buộc gồm: Nam quốc sơn hà tương truyền của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.

Phương pháp giáo dục và đánh giá học sinh cũng được thay đổi. Thay vì thiên đọc - chép như trước đây, giáo viên tổ chức lớp học, các hoạt động giáo dục theo hướng khuyến khích học sinh trao đổi và tranh luận, đặt câu hỏi cho mình và cho người khác khi đọc, viết, nói và nghe.

"Cần hình thành cho học sinh cách học, tự học, từ phương pháp tiếp cận, phương pháp đọc hiểu đến cách thức tạo lập văn bản và nghe - nói; thực hành, luyện tập và vận dụng nhiều kiểu loại văn bản để sau khi rời nhà trường các em có thể tiếp tục học suốt đời và có khả năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống", tóm tắt dự thảo chương trình môn Ngữ văn nêu.

chuong trinh moi 2
Môn Ngữ văn cần hình thành cho học sinh cách tự học

Mục tiêu của chương trình Ngữ văn

Hình thành và phát triển cho HS những phẩm chất cao đẹp: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách và phát triển cá tính thông qua những hoạt động khám phá, tiếp nhận các văn bản ngôn từ, đặc biệt là văn bản văn học cùng với các hoạt động rèn luyện nghe, nói và thực hành tạo lập các kiểu văn bản thông dụng.

Góp phần giúp HS phát triển các năng lực chung như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Đặc biệt, chương trình môn Ngữ văn giúp HS phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học thông qua hệ thống kiến thức phổ thông cơ bản về văn học, tiếng Việt và các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe.

Trong đó:

  • Mục tiêu môn chương trình môn Ngữ văn ở cấp Tiểu học góp phần giúp HS phát triển những phẩm chất cao đẹp đã nêu ở mục tiêu chung và giúp HS bước đầu hình thành các năng lực chung, phát triển năng lực ngôn ngữ ở tất cả các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe với mức độ căn bản; phát triển năng lực văn học qua việc rèn luyện cách đọc các văn bản văn học ở một số thể loại tiêu biểu; cuối bậc tiểu học nhận biết được vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật; có trí tưởng tượng, hiểu và biết xúc động trước cái đẹp, cái thiện của con người.

Để bảo đảm tính khả thi của những mục tiêu này, cần có sự chuẩn bị về nhiều mặt nguồn lực con người, cơ sở vật chất và trang thiết bị, trong đó quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên cần được bồi dưỡng để nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp.

  • Mục tiêu chương trình môn Ngữ văn ở cấp THCS giúp HS tiếp tục phát triển những phẩm chất tốt đẹp đã được hình thành ở tiểu học; nâng cao và mở rộng yêu cầu phát triển về phẩm chất với các biểu hiện cụ thể như: Biết tự hào về lịch sử dân tộc và văn học dân tộc; có ước mơ và khát vọng, có tinh thần tự học và tự trọng, có ý thức công dân, tôn trọng pháp luật. Đồng thời, tiếp tục phát triển các năng lực chung và năng lực đặc thù đã hình thành ở cấp tiểu học với các yêu cầu cần đạt cao hơn cả năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học.

Ở THCS, các năng lực đặc thù của môn học đều được chú trọng nhằm bảo đảm sứ mạng của môn Ngữ văn trong nhà trường. Qua môn Ngữ văn ở THCS, HS được phát triển cả năng lực ngôn ngữ, nói rộng ra là năng lực giao tiếp và năng lực văn học, cảm thụ thẩm mĩ trong mối quan hệ hữu cơ, không tách rời nhau.

  • Mục tiêu chương trình môn Ngữ văn ở cấp THPT mở rộng và nâng cao yêu cầu phát triển phẩm chất, giúp HS tiếp tục phát triển những phẩm chất và các năng lực đã hình thành ở THCS. Mở rộng và nâng cao yêu cầu phát triển phẩm chất với các biểu hiện cụ thể: Có bản lĩnh, cá tính, có lí tưởng và hoài bão, biết giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá Việt Nam; có tinh thần hội nhập và ý thức công dân toàn cầu.

Thông qua những kiến thức phổ thông nền tảng, có tính hệ thống và sâu rộng hơn về văn học, tiếng Việt, chương trình môn Ngữ văn giúp HS có năng lực vững vàng để tiếp tục học lên CĐ, ĐH các trường nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Những mục tiêu của chương trình Ngữ văn mới cấp THPT vừa là sự tiếp nối các mục tiêu của chương trình cấp tiểu học và THCS, vừa có tính nâng cao theo hướng phân hóa. Một mặt, chương trình tiếp tục phát triển các năng lực đọc, viết, nói và nghe; mặt khác chương trình tạo cơ hội cho một số HS có định hướng theo học các ngành khoa học xã hội và nhân văn sau này được học một số chuyên đề tự chọn để nâng cao kiến thức Ngữ văn, thực hành đọc hiểu những tác phẩm văn học nổi tiếng qua một số giai đoạn lịch sử văn học quan trọng, hay của các trường phái, phong cách sáng tác khác nhau. Hệ thống chuyên đề này giúp HS có sự chuẩn bị tốt hơn để học lên bậc học cao hơn.

3. Môn Toán trong chương trình GDPT mới

Chương trình môn Toán: Tinh giản và thiết thực hơn

Toán là môn học bắt buộc, được phân chia theo hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản, môn Toán giúp học sinh nắm được hệ thống khái niệm, nguyên lý, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn học giúp học sinh có cái nhìn tương đối tổng quát về Toán học, hiểu được vai trò và ứng dụng của Toán trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan đến toán học. Thông qua đó, học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này và đủ năng lực tối thiểu để tự mình tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời.

Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, mỗi năm học sinh có định hướng khoa học tự nhiên và công nghệ được chọn học một số chuyên đề. Các chuyên đề này nhằm tăng cường kiến thức về Toán học, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Chương trình môn Toán xây dựng trên phương châm 10 chữ: Tinh giản, thiết thực, hiện đại và khơi nguồn sáng tạo và quán triệt tinh thần "toán học cho mọi người". Nội dung chương trình môn Toán được tích hợp xoay quanh ba mạch kiến thức, thống nhất từ lớp 1 đến lớp 12 là: Số và Đại số; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất và có cấu trúc kết hợp giữa tuyến tính với "đồng tâm xoáy ốc" (đồng tâm, mở rộng và nâng cao dần).

chuong trinh moi 3
Xây dựng chương trình Toán học tinh giản, thiết thực, giảm áp lực cho cả học sinh và giáo viên

Chương trình môn Toán mới đặc biệt chú trọng tính ứng dụng thực tiễn, nên dành thời lượng 9% (tổng thời lượng chương trình môn Toán 12 năm), cho các Hoạt động trải nghiệm toán học. Đây cũng là lần đầu tiên nội dung này được đưa vào chương trình môn Toán.

Một trong những mục tiêu lớn chương trình môn Toán mới đặt ra là giúp học sinh có kiến thức, kỹ năng toán học phổ thông, cơ bản, thiết yếu; phát triển khả năng giải quyết vấn đề có tính tích hợp liên môn giữa môn Toán và các môn học khác như Vật lý, Hoá học, Sinh học... Việc tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, áp dụng toán học vào thực tế, là mục tiêu quan trọng được đặt ra.

Hy vọng với những thông tin được AZtest chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn biết thêm về những đổi mới trong các môn học mới của Bộ GD&ĐT.

>>>Xem thêm: 10 sự kiện giáo dục nổi bật năm 2018

---------------------------------------------------------------------------------------------------------

AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VÀ DỊCH VỤ NGUỒN MỞ THUẬN ĐỨC phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.

Liên hệ 02336.270.610 - 0905.908.430 (hotline 24/7) hoặc Fanpage https://fb.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.

Nguồn tin: Tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây