Chia sẻ kinh nghiệm dạy học Sinh học theo hướng phát triển năng lực của học sinh

Thứ sáu - 15/04/2022 04:15
Cô Trần Thị Kiều - giáo viên Trường THPT Mai Thanh Thế (Sóc Trăng) - chia sẻ kinh nghiệm đổi mới cách dạy Sinh học theo hướng phát triển năng lực, nâng cao chất lượng giảng dạy môn Sinh trong THPT.
Kinh nghiệm dạy học Sinh học theo hướng phát triển năng lực
Kinh nghiệm dạy học Sinh học theo hướng phát triển năng lực

Cô cho rằng: Với nội dung kiến thức là khái niệm, giáo viên có thể dạy theo cách quy nạp. Giáo viên có thể đưa ví dụ, hình ảnh hay sơ đồ,... Từ các tư liệu, giáo viên có thể yêu cầu học sinh rút ra khái niệm.
Đối với kiến thức thuộc về cơ chế, sự hình thành, giáo viên có thể cho học sinh xem tranh ảnh, sơ đồ và yêu cầu học sinh trình bày nội dung, chính của cơ chế đó.
Ví dụ: để dạy kiến thức về cơ chế nhân đôi ADN, ARN hay prôtêin,... giáo viên cho học sinh xem video cơ chế nhân đôi ADN, ARN hay protein; sau đó, yêu cầu học sinh rút ra diễn biến cơ chế nhân đôi ADN, ARN, protein,.. Để có thể phát triển năng lực tư duy của học sinh, giáo viên có thể cho học sinh vận dụng giải bài tập sau khi học cơ chế đó.
Đối với kiến thức theo kiểu công thức sinh học, giáo viên cũng dạy theo cách quy nạp. Cụ thể là từ kiến thức lý thuyết kèm theo tranh ảnh, sơ đồ, biểu đồ,... để rút ra công thức, từ công thức, giáo viên có thể yêu cầu học sinh giải bài tập theo độ khó tăng dần.
Ví dụ: để hình thành công thức tính tổng số nucleotit, chiều dài của gen, số liên kết hiđrô,... trong chương trình sinh học 10, giáo viên cho học sinh xem tranh ảnh phân tử ADN, qua tranh ảnh yêu cầu học sinh rút ra công thức. Giáo viên có thể cho học sinh vận dụng giải bài tập sau khi học để có thể phát triển năng lực tư duy của học sinh.

Đổi mới kiểm tra đánh giá

Trong dạy học, có nhiều cách kiểm tra kiến thức như kiểm tra viết, kiểm tra miệng và kiểm tra bằng nhận xét của giáo viên, kiểm tra chéo giữa các học sinh.
Theo cô Trần Thị Kiều, để có thể phát triển năng lực tư duy, tìm tòi của học sinh, giáo viên phải kết hợp việc học tập với việc kiểm tra đánh giá.
“Dù hình thức kiểm tra nào đi nữa, mục đích của việc kiểm tra là đánh giá chính xác quá trình học tập của học sinh, phân loại được học sinh. Để có thể phân loại được học lực học sinh, bộ câu hỏi của giáo viên phải theo hướng phát triển năng lực của người học Bộ câu hỏi phải đủ các cấp độ nhận thức” - Cô Trần Thị Kiều nói.

Đổi mới cách tổ chức dạy học

Để nâng cao năng lực tư duy của học sinh, cô Trần Thị Kiều có một số giải pháp sau:

  • Cải tiến các cách dạy truyền thống:

Đổi mới cách dạy học cần dùng các cách dạy linh hoạt, phù hợp vì cách dạy truyền thống không phải lúc nào cũng hạn chế, cách mới không phải tốt hoàn toàn. làm cách nào để để học sinh tự chủ kiến thức, tự ghi chép theo hướng dẫn của giáo viên.
Để nâng cao năng lực của học sinh, giáo viên cần chú ý đến hệ thống câu hỏi dẫn dắt học sinh theo độ khó tăng dần, hạn chế hỏi những câu hỏi đúng sai.

  • Kết hợp nhiều cách dạy học:

Cách dạy học là giáo viên hướng dẫn học sinh tìm kiến thức, nếu giáo viên chỉ dạy một phương pháp dạy học (PPDH) đơn điệu thì không mang lại hiệu quả trong dạy học.
Bởi vậy, cần kết hợp đa dạng các PPDH và hình thức dạy học phù hợp, trong việc dạy học để phát huy tính chủ động của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học.
Tùy theo nội dung của bài học, giáo viên chọn PPDH hợp lý; tùy vào cách đặt câu hỏi, nội dung của câu hỏi, giáo viên có thể cho từng cá nhân trả lời trực tiếp, hay cho học sinh thảo luận nhóm trả lời câu hỏi trong phiếu học tập với thời gian quy định.

Kết hợp các phương pháp dạy học khác nhau
Kết hợp các phương pháp dạy học khác nhau
  • Dạy học giải quyết vấn đề:

Dạy học giải quyết vấn đề là giáo viên giới thiệu 1 tình huống có vấn đề hoặc cho 1 bài tập có vấn đề, gây mâu thuẫn giữa kiến thức cũ và kiến thức mới để thúc đẩy học sinh phải tư duy trả lời đáp án, giải thích lý do xảy ra như vậy.

  • Dạy học theo chủ đề

Dạy học theo chủ đề là quan điểm dạy học gắn lý thuyết với thực tế, việc dạy học được tổ chức theo một chủ đề phức hợp gắn với các tình huống thực tế và đời sống nghề nghiệp. Dạy học theo chủ đề bao gồm dạy học theo chủ đề đơn môn hoặc dạy học theo chủ đề liên môn.
Dạy học theo chủ đề đơn môn có nghĩa là giáo viên hệ thống kiến thức lại thành những chủ đề riêng biệt, các chủ đề này có thể nằm trong chương trình một khối lớp, hai khối lớp hoặc ba khối lớp.
Giáo viên chia nhóm và giao nhiệm vụ cho mỗi nhóm thảo luận và báo cáo các chủ đề của mỗi nhóm, giáo viên nhận xét và bổ sung kiến thức. Ví dụ sinh học 12, giáo viên có thể sắp xếp mỗi chương là 1 chủ đề để dạy.
Dạy học theo chủ đề liên môn có nghĩa là giáo viên có thể hệ thống kiến thức lại thành những chủ đề riêng biệt, có nội dung kiến thức liên quan đến 2 môn hoặc 3 môn. Các chủ đề này có nội dung kiến thức nằm trong chương trình 1 khối lớp, 2 khối lớp hoặc 3 khối lớp.
Giáo viên có thể chia nhóm và giao nhiệm vụ cho mỗi nhóm thảo luận và báo cáo các chủ đề của mỗi nhóm, giáo viên nhận xét và bổ sung kiến thức.
Qua việc dạy học theo chủ đề, học sinh có thể vận dụng kiến thức học được ở 1 môn, 2 môn hoặc 3 môn để giải quyết những tình huống trong thực tiễn trong cuộc sống.
Ví dụ: giáo viên sắp xếp kiến thức môn Sinh học thành những chủ đề có liên quan đến những môn học khác (như Vật lí, Hóa học,..) như chủ đề đột biến nhiễm sắc thể, đột biến gen, gen, protein,....

  • Dạy học theo dự án:

Dạy học theo dự án là hình thức dạy học mà học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập và hoàn thành các sản phẩm, có sự kết hợp linh hoạt giữa hoạt động trí tuệ và hoạt động tay chân. Mỗi nhóm cùng nhau thảo luận tìm kiếm thông tin, hình ảnh, số liệu,… tự lực hoàn thành nhiệm vụ học tập mà giáo viên phân công. Mỗi nhóm có tạo ra các sản phẩm có thể công bố sản phẩm.
Trong dạy học theo dự án, có thể vận dụng nhiều nguyên lý và quan điểm dạy học hiện đại như lý thuyết kiến tạo, dạy học định hướng học sinh, dạy học hợp tác, dạy học tích hợp, dạy học khám phá, sáng tạo,…
Ví dụ: khi dạy bài 46 sinh học 12, giáo viên có thể cho mỗi nhóm hoàn thành 1 chủ đề (như tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước khí,.) ở địa phương mà các em đang sinh sống, có tìm, số liệu minh chứng và báo cáo.

  • Đẩy mạnh ứng dụng phương tiện dạy học và CNTT hợp lý hỗ trợ dạy học:

Sinh học là môn gắn lý thuyết với thực tế, vậy nên phương tiện dạy học có vai trò quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học.
Đẩy mạnh tính tích cực và trải nghiệm sáng tạo của học sinh, các phương tiện trực quan và thí nghiệm, thực hành có ý nghĩa rất quan trọng.
Phương tiện dạy học sinh học rất đa dạng, giáo viên có thể sử dụng tranh ảnh, sơ đồ, biểu đồ, mẫu vật thật như cây, con,... hoặc kết hợp các phương tiện công nghệ thông tin như video, trình chiếu, e-learning, trường học kết nối,...
Theo cách của mình, giáo viên có thể đặt câu hỏi gợi mở giúp học sinh khai thác kiến thức từ các phương tiện hoặc công nghệ thông tin trong dạy học.
Ví dụ: để dạy nội dung kiến thức về cấu tạo hoa trong sinh sản hữu tính ở thực vật, giáo viên có thể đưa mẫu vật là 1 cành hoa hoặc chiếu hình ảnh 1 cành hoa. Giáo viên đặt câu hỏi giúp học sinh gợi mở để rút ra nội dung kiến thức về cơ quan sinh sản đực và cái của hoa.

  • Dùng sơ đồ tư duy trong dạy học:

Sơ đồ tư duy trong dạy môn Sinh học là một trong những hình thức dạy học giúp học sinh có thể tổng quát được kiến thức môn sinh học và vận dụng linh hoạt kiến thức môn học để giải các đề thi.
Ví dụ: để dạy nội kiến thức phần biến dị trong chương trình sinh học 12, giáo viên có thể đưa sơ đồ tư duy giúp học sinh hệ thống kiến thức, hiểu và vận dụng kiến thức tốt hơn.

  • Áp dụng thí nghiệm, thực hành:

Thí nghiệm, thực hành trong dạy môn Sinh học là 1 phương pháp dạy học có thể nâng cao trình độ của học sinh, giúp học sinh chủ động tìm và vận dụng kiến thức linh hoạt trong thực tế.
Ví dụ: để dạy kiến thức khuếch tán trong chương trình Sinh học 10, 11, giáo viên có thể đưa ví dụ hoặc làm thí nghiệm, yêu cầu học sinh rút ra đặc điểm cơ bản của khuếch tán và vận dụng nó linh hoạt đời sống hàng ngày như rửa rau, trái cây,...
Vừa rồi là những chia sẻ của AZtest, mong là các giáo viên sẽ có thêm kinh nghiệm tốt để dạy môn Sinh học theo hướng nâng cao trình độ.
 

>>> Nguồn: https://aztest.vn/tin-tuc/tin-giao-duc/kinh-nghiem-day-hoc-sinh-hoc-theo-huong-phat-trien-nang-luc-297.html.

>>> Xem thêm: Giáo viên phải làm gì để có tiết dạy hiệu quả?.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây